Hệ thống thiết bị thông tin liên lạc của một con tàu luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình hành hải trên biển. Tuy nhiên, để bảo đảm sự sẵn sàng và duy trì hoạt động của các thiết bị quan trọng này, nguồn điện cung cấp năng lượng cho hệ thống thông tin trên tàu cũng thực sự cần thiết. Chính vì vậy, trong Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (Công ước SOLAS), các yêu cầu đối với tàu về Thông tin liên lạc vô tuyến nêu tại chương IV đã bao gồm cả quy định về nguồn điện.
Cụ thể, tại điều 13, chương IV Công ước SOLAS, nguồn điện của tàu được quy định như sau:
Thứ nhất, khi tàu ở ngoài khơi, bất cứ lúc nào cũng phải sẵn có nguồn điện cung cấp đủ cho các hoạt động của các thiết bị vô tuyến và để nạp các bình ắc quy được sử dụng làm một hoặc nhiều nguồn năng lượng dự trữ cho các thiết bị vô tuyến điện.
Thứ hai, trên tất cả các tàu phải trang bị một hoặc nhiều nguồn năng lượng dự trữ cung cấp cho các thiết bị vô tuyến nhằm mục đích phát thông tin vô tuyến cấp cứu và an toàn trong trường hợp nguồn điện chính và nguồn điện sự cố của tàu bị hư hỏng. Nguồn năng lượng dự trữ phải có khả năng cung cấp năng lượng cho hoạt động đồng thời thiết bị vô tuyến VHF và, tùy theo vùng hoặc các vùng hoạt động mà tàu được trang bị, cho thiết bị vô tuyến MF, hoặc thiết bị vô tuyến MF/HF, hoặc trạm Inmarsat trên tàu. Thời gian cung cấp được quy định 1 giờ đối với các tàu được trang bị nguồn điện sự cố và 6 giờ đối với các tàu không được trang bị nguồn điện sự cố. Ngoài ra, nguồn điện dự phòng không cần thiết phải cung cấp điện đồng thời cho các thiết bị vô tuyến HF và MF độc lập.
Thứ ba, nguồn điện dự phòng phải độc lập với năng lượng quay chân vịt và hệ thống điện của tàu.
Thứ tư, ngoài thiết bị vô tuyến VHF, nếu có 2 hoặc nhiều hơn các thiết bị vô tuyến khác (MF, HF hoặc Inmarsat), có thể nối với nguồn điện dự trữ, thì chúng phải có khả năng cung cấp điện đồng thời cho cả thiết bị vô tuyến VHF theo thời gian cung cấp được quy định ở trên.
Thứ năm, nguồn điện dự trữ cũng có thể sử dụng để cung cấp điện cho hệ thống chiếu sáng nhằm phục vụ hiệu quả cho việc điều khiển hoạt động của thiết bị vô tuyến.
Thứ sáu, nếu nguồn điện dự trữ là một hoặc nhiều ắc quy có thể nạp lại được thì phải trang bị một phương tiện nạp tự động cho những ắc quy đó, phương tiện nạp phải có khả năng nạp cho các ắc quy đến dung lượng yêu cầu tối thiểu trong vòng 10 giờ, và dung lượng của một hoặc những ắc quy phải được kiểm tra, sử dụng một phương pháp thích hợp (ví dụ như phóng hết điện rồi nạp lại), ở những khoảng thời gian không quá 12 tháng khi tàu không hoạt động trên biển.
Thứ bảy, vị trí và trang bị các ắc quy sử dụng làm nguồn năng lượng dự trữ phải bảo đảm khả năng phục vụ tốt nhẩt, có thời gian hoạt động hợp lý, sự an toàn hợp lý và nhiệt độ của ắc quy phải duy trì trong giới hạn quy định của nhà sản xuất khi nạp cũng như khi để nhàn rỗi, đồng thời khi đã nạp đủ, các ắc quy phải có khả năng cung cấp điện được ít nhất bằng thời gian yêu cầu tối thiểu trong mọi điều kiện thời tiết.
Thứ tám, nếu một đầu vào thông tin liên tục từ thiết bị hành hải hoặc thiết bị khác của tàu đến một thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến là cần thiết để đảm bảo thực hiện đúng chức năng của nó, thì phải có phương tiện đảm bảo việc cung cấp những thông tin như vậy được liên tục trong trường hợp nguồn điện chính hoặc nguồn điện sự cố của tàu bị hư hỏng.
Trên đây là toàn bộ thông tin cơ bản của quy định về nguồn điện trên tàu được thể hiện trong Công ước SOLAS. Các tàu hàng chạy trên tất cả các vùng biển cần phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng nhằm duy trì tình trạng tốt nhất của nguồn điện, góp phần bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả của hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, nâng cao sự an toàn sinh mạng thuyền viên trong mỗi hành trình.